Cảnh giác viêm gân Achilles khi chạy bộ
Chấn thương khi chạy bộ hay vận động mạnh kéo dài là tình trạng thường gặp ở những người thường xuyên hoạt động thể chất. Một trong những chấn thương hay gặp là viêm gân gót chân Achilles. Vậy viêm gân Achilles khi chạy bộ biểu hiện gì và cần điều trị như thế nào?
1. Cơ chế và nguyên nhân tổn thương gân Achilles
Gân Achilles là một vùng khá ít mạch máu, cách chỗ bám vào xương gót từ 3-6 cm. Đây là chỗ thường bị tổn thương viêm tại điểm bám gân, viêm quanh gân, viêm giữa gân, xơ gân hoặc đứt gân.
Tổn thương gân Achilles thường do sự quá tải về lực, trọng lực trực tiếp lên gân - có thể thấy ở những người chơi thể thao có di chuyển với tốc độ cao.
Sợi gân được tạo nên bởi các sợi collagen giúp gân có độ mềm mại và linh hoạt. Ngoài ra, mô liên kết với các chất đàn hồi xung quanh giúp các bó sợi trượt lên nhau khi có các chuyển động. Lượng collagen giảm dần theo độ tuổi, nên tổn thương gân này hay gặp ở người ngoài 30 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Người càng lớn tuổi thì dễ tổn thương gân Achilles hơn.
Vị trí gân Achilles
Các môn thể thao dễ có tổn thương gân Achilles là: Chạy bộ, chạy đường dài, thể dục dụng cụ, khiêu vũ, bóng đá, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, bóng chày, tennis. Tổn thương gân này thường do bắt đầu di chuyển một cách đột ngột với động tác đẩy mũi bàn chân và nhấc chân di chuyển nhanh để tăng tốc hay chạy nước rút khi về đích hoặc do đổi hướng di chuyển đột ngột. Cấu tạo gân bao gồm nhiều sợi nhỏ, một động tác đột ngột huy động quá nhiều sợi gân nhỏ tham gia mà thiếu sự đàn hồi sẽ gây nên tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng.
Những người có cơ địa dễ có tổn thương gân Achilles là người có khớp cổ chân lỏng lẻo, béo phì, yếu cơ, bệnh rối loạn chuyển hóa, dùng thuốc corticoid hay kháng sinh nhóm Quinolones dài ngày. Phụ nữ đi giày cao gót hoặc người có bàn chân dẹt do phân bố lực bị dồn vào một điểm trong thời gian dài với một tư thế cố định cũng dễ bị viêm gân này.
2. Dấu hiệu tổn thương gân Achilles
- Biểu hiện nhẹ nhất là cảm giác đau rát bỏng hay đau cứng phần thấp bắp chân sau vào buổi sáng. Một số trường hợp thì có thể rách một phần gân hoặc đứt hoàn toàn gân.
- Đau vùng gót, đặc biệt khi căng gót hoặc đứng trên đầu mũi chân. Đau nhiều vào buổi sáng. Khi viêm gân Achilles lâu sẽ có nguy cơ bị đứt gân.
- Nếu gân bị đứt thì sẽ đau dai dẳng, cảm giác phù nề vùng gót chân, đôi khi thấy cứng đơ vùng đó. Thậm chí bạn có thể nghe thấy tiếng nổ hay tiếng rắc ở vùng gân, xuất hiện cùng với đau do gân bị đứt. Đồng thời, vùng gót chân trở bên sưng nề và tím do có chảy máu giữa các sợi gân.
Đau vùng gót khi tổn thương gân Achilles
3. Viêm gân gót chân Achilles có nguy hiểm không?
Bên cạnh cảm giác đau nhức gót chân dai dẳng, viêm gân Achilles khi chạy bộ nếu trì hoãn điều trị hoặc điều trị sai phương pháp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Hạn chế khả năng di chuyển, vận động;
- Biến dạng gân và xương gót chân;
- Đứt gân Achilles hoàn toàn.
4. Chẩn đoán viêm gân Achilles khi chạy bộ như thế nào?
Để chẩn đoán chấn thương gân Achilles, bác sĩ cần khai thác các triệu chứng (như đau gót chân khi chạy bộ), từ đó lượng giá các khả năng vận động của người bệnh. Sau đó, bác sĩ tiến hành thăm khám bằng cách ấn nhẹ vào vùng gân bị tổn thương để xác định tình trạng đau nhức, sưng nề. Một biện pháp hỗ trợ chẩn đoán mà người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện là động tác đứng trên một quả bóng để khảo sát sự linh hoạt, phạm vi chuyển động, phản xạ của bàn chân, gót chân và mắt cá chân.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác viêm gân Achilles khi chạy bộ:
- Chụp X quang sẽ giúp bác sĩ quan sát hình ảnh các xương ở bàn chân. Mặc dù X quang không cung cấp hình ảnh của gân Achilles nhưng sẽ giúp loại trừ các nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng tương tự viêm gân gót chân Achilles;
- Siêu âm có thể hỗ trợ khảo sát chi tiết hình ảnh các mô mềm, bao gồm gân Achilles. Ngoài ra, các chuyển động hay lưu lượng máu quanh gân Achilles có thể được khảo sát thông qua siêu âm;
- Chụp MRI là phương pháp có thể ghi nhận hình ảnh chi tiết của gân Achilles, qua đó phát hiện vị trí hay mức độ gân bị viêm.
Nếu thấy có các dấu hiệu của viêm gân Achilles hãy đi khám sớm để có phương pháp điều trị phù hợp
5. Điều trị viêm gân gót chân Achilles
5.1. Phương pháp R.I.C.E
Đa số các chấn thương xương khớp mức độ nhẹ đều có thể tự khỏi hoàn toàn khi chúng ta biết cách chăm sóc phù hợp. Người bị viêm gân Achilles khi chạy bộ hay tập luyện có thể áp dụng phương pháp R.I.C.E để tự điều trị tại nhà:
- Rest (Nghỉ ngơi): Biện pháp này hỗ trợ cơ thể tăng khả năng phục hồi tổn thương gân, bên cạnh các tác dụng khác như giảm áp lực đè nén, giúp gân thư giãn và mau chóng hồi phục. Người bị viêm gân gót chân achilles cần nghỉ ngơi cho đến khi việc đi lại không gây đau chân bị viêm gân. Đồng thời, nếu cần phải di chuyển người bệnh nên sử dụng biện pháp hỗ trợ như nạng để hạn chế gây áp lực lên gân;
- Ice (Chườm đá): Người bị viêm gân gót chân achilles có thể chườm một túi nước đá lên vị trí tổn thương 15 – 20 phút để giảm đau và sưng nề;
- Compression (Băng ép): Người viêm gân Achilles có thể dùng băng vải hoặc băng thun để cố định và giảm sưng tấy cho gân. Tuy nhiên, lưu ý không băng quá chặt vì nguy cơ cản trở lưu thông máu và khiến tổn thương gân trầm trọng hơn;
- Elevation (Kê cao vị trí bị thương): Việc nâng chân bị thương cao hơn tim có tác dụng giảm sưng và đau hiệu quả.
5.2. Sử dụng các loại thuốc
Các trường hợp đau gót chân khi chạy bộ hay vận động có thể phải sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không kê đơn như Naproxen, Ibuprofen, Aspirin... Các trường hợp đau kéo dài có thể được bác sĩ chỉ định các thuốc kháng viêm hay giảm đau liều cao hơn để kiểm soát triệu chứng.
5.3. Vật lý trị liệu
Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị người bệnh viêm gân Achilles thực hiện một số liệu pháp điều trị như sau:
- Thực hiện các bài tập trị liệu thúc đẩy chữa lành tổn thương, tăng cường sức mạnh gân Achilles và hạn chế nguy cơ viêm tái phát;
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như miếng đệm hay miếng lót giày nâng cao để hạn chế căng thẳng cho gân Achilles.
5.4. Phẫu thuật gân Achilles
Khi các điều trị bảo tồn gân Achilles như trên không mang lại hiệu quả, bệnh nhân có thể cần đến biện pháp phẫu thuật. Ngoài ra, các trường hợp viêm gân Achilles khi chạy bộ kèm theo đứt gân hoặc có nguy cơ đứt gân sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nối gân Achilles để phục hồi khả năng vận động.
6. Biện pháp phòng ngừa viêm gân gót chân Achilles
Để hạn chế nguy cơ viêm gân gót chân Achilles, chúng nên lưu ý những vấn đề sau:
- Hạn chế gia tăng mức độ hoạt động quá đột ngột: Nếu mới bắt đầu chạy bộ, người tập nên thực hiện từ từ, tăng dần thời gian và quãng đường chạy để cơ thể thích nghi, tránh gây áp lực quá mức lên gân gót chân;
- Không hoạt động quá sức: Hạn chế các hoạt động hay bài tập gây căng thẳng quá mức cho gân Achilles. Trường hợp chuẩn bị tham gia các hoạt động gắng sức, người tập cần thực hiện các động tác khởi động phù hợp. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nếu cảm thấy đau hay khó chịu thì dừng lại ngay và nghỉ ngơi;
- Hạn chế chạy bộ hay tập luyện trên những mặt phẳng cứng hay dễ trơn trượt;
- Trang bị quần áo phù hợp với loại hình luyện tập;
- Chọn đôi giày chạy bộ phù hợp, vừa vặn với chân và có chế độ hỗ trợ tốt cho các hoạt động của bàn chân.
Viêm gân Achilles là chấn thương xảy ra khi các hoạt động quá mức (như chạy bộ) khiến gân Achilles bị quá tải về lực và trọng lực. Nếu trì hoãn điều trị hoặc điều trị sai phương pháp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi các chấn thương xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm, cản trở hoạt động người bệnh cần sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và can thiệp điều trị.